Bấm vào hình để xem kích thước thật

Tại sao trẻ tự kỷ thích chơi một mình?

Ngày đăng:  18/06/2015

 
Lượt xem: 23924

“Tự kỷ” tiếng anh “autism” có nghĩa là “xa cách”. Trẻ tự kỷ không chỉ tự tổ chức và vận hành các hoạt động tâm trí của mình, mà trẻ còn vận hành chúng một cách khác biệt làm cho những người thân của trẻ, cho dù đã cố gắng tìm lý lẽ biện minh cho những hành vi của con, vẫn cảm thấy con mình thực sự “nó khác với những trẻ khác”. Liệu trẻ có vấn đề tâm lý khó khăn nào không? Tại sao trẻ tự kỷ lại thích chơi một mình?

Sự bất thường về cảm quan và hoạt động của trẻ tự kỷ.

Với trẻ tự kỷ, do sự kém nhạy cảm của các giác quan nên dù một tác động nhỏ cũng có thể gây ra những kích thích quá ngưỡng (ví dụ trẻ sẽ nhảy liên tục, đu đưa thân người, leo trèo, chạy đi chạy lại,….) Ngược lại, khi trẻ tự kỷ có giác quan nhạy cảm quá mức thì tác động dù lớn cũng không đủ đạt đến ngưỡng kích thích của trẻ (ví dụ một số trẻ tự kỷ không dám bước lên cầu thang máy, sợ xích đu, sợ cầu trượt,…). Do bởi những bất thường về mặt cảm quan này, trẻ thường có khó khăn trong kế hoạch vận động. Trẻ thường vụng về và lóng ngóng khi chơi đồ chơi. Không thể chơi đồ chơi một cách thích hợp, trẻ có khuynh hướng chơi mãi một thứ đồ chơi mà mình có thể thao tác thành công nhất.

 

Khi mà thính giác của trẻ tự kỷ kém nhạy cảm, trẻ sẽ không thể nghe người khác nói. Khi đó trẻ sẽ có khuynh hướng thích nghe nhạc hay những hoạt động có tiếng ồn lớn thay vì chơi với ai. Ngược lại, các hoạt động dưới ngưỡng do bởi sự nhạy cảm thái quá về thính giác có thể làm trẻ bịt tai chỉ vì nghe tiếng mưa rơi, hoảng hốt khi nghe tiếng máy hút bụi,…

 

Sự kém nhạy cảm về thị giác khiến cho trẻ tự kỷ có kiểu chơi định xếp thành hàng rồi ngắm chúng từ những góc cạnh bất thường. Có khi, trẻ dành hàng giờ chỉ để chăm chút ngắm xếp ngay hàng thẳng lối hoặc xăm soi một cọng cỏ nhỏ, mặc cho bạn bè cùng lứa đang nô đùa xung quanh mình. Ngược lại, với những trẻ tự kỷ có sự nhạy cảm quá mức về thị giác, trẻ sẽ thích chơi nơi bóng tối hơn là chạy nhảy ngoài sân nắng.

 

Người tự kỷ là người hay bận rộn cho việc tìm lại cảm giác của chính mình do bởi họ thường xuyên bị gián đoạn bởi những cảm giác và cảm nhận quanh mình.

 

Trẻ tự kỷ có những qui luật bất biến do chính trẻ đặt ra.

Do đặc tính cơ bản của trẻ tự kỷ là không thích sự thay đổi. Các sinh hoạt cuộc sống của trẻ và gia đình càng ổn định càng đem đến cho trẻ cảm giác an toàn. Trong cuộc chơi cũng vậy, trẻ tự kỷ sẽ tự thiết lập một qui luật chơi cho riêng mình, và trẻ cũng đòi hỏi người cùng chơi với trẻ tuân thủ theo đúng qui luật do chính mình đặt ra. Nghe và theo qui luật chơi của người khác là điều trẻ tự kỷ không thể làm được. Đa số trẻ tự kỷ trong một nhóm bạn thường là đối tượng gây hấn (hoặc là nạn nhân bị gây hấn), cho nên trẻ tự kỷ thường chọn cách chơi cô lập.

 

Trẻ tự kỷ chỉ thực hiện được kiển chơi rập khuôn và mang tính lặp đi lặp lại.

Qui luật của việc chơi một cách sáng tạo, chơi biểu tượng hay chơi tương tác qua lại,… đối với các trẻ nhỏ là điều bình thường, nhưng đối với trẻ tự kỷ là điều không thể. Hạn chế về khả năng suy nghĩ tưởng tượng và các rối loạn về bắt chước người khác không cho phép trẻ hòa hợp chơi cùng bạn cùng trang lứa. “Trên thực tế, trẻ tự kỷ có khả năng bắt chước nhưng không phải bao giờ trẻ cũng làm đúng như mẫu, đúng thời điểm và cùng nhịp độ với mẫu” [Adrien]

 

Những khó khăn trong việc đọc được cảm xúc của người khác và nhận diện được chính mình

Tự kỷ trẻ em được coi là một chứng “rối loạn phát triển liên cá nhân do bởi trẻ không thể chia sẽ cảm xúc của người khác, và điều này xuất hiện từ khi trẻ còn rất nhỏ” [Hobson]. Thevarthen  giả thuyết rằng “Ở trẻ tự kỷ có sự lẫn lộn giữa trải nghiệm về người khác và trải nghiệm về chính mình. Do đó hành vi của trẻ tự kỷ có thể làm mất phương hướng của người đối diện (bạn, người thân,…), và họ sẽ có thể phát triển một hành vi làm biến dạng các hành vi động cơ thực sự của trẻ”. Điều này có thể gây trở ngại cho trẻ tự kỷ trong việc “thể hiện bản thân” với người khác. Trong một nhóm chơi, trẻ tự kỷ thường có khuynh hướng trở thành người thừa của nhóm.

Đăng bởi: Khoa Tâm lý

[Trở về]

Các tin khác