Bấm vào hình để xem kích thước thật

Trẻ bị stress do áp lực thi cử

Ngày đăng:  13/04/2021

 
Lượt xem: 7368

Hiện nay mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con, vì vậy việc đặt “ kỳ vọng” vào con cái là vấn đề dễ hiểu. Thực tế cho thấy, đời sống ngày càng áp lực cao với những yêu cầu ngày một khắt khe nó đòi hỏi trẻ luôn phải nỗ lực để vượt qua, để thành công hay thỏa mãn sự mong đợi của người lớn đặc biệt các bậc cha mẹ luôn đặt ước mơ mình trên đôi cánh của con cái, việc này gây nên áp lực rất lớn cho trẻ dẫn đến tình trạng stress của lứa tuổi học sinh ngày càng tăng cao và ở nhiều mức độ khác nhau.

Stress ở mức độ vừa phải nó huy động nguồn lực giúp con người vượt qua và thành công hơn, tuy nhiên nếu căng thẳng thường xuyên và với cường độ cao thì nó khiến con người khó có thể vượt qua và phá vỡ ứng xử… gây ra cảm giác vô cùng khó chịu, thúc đẩy những hành vi mất kiểm soát có thể gây nguy hiểm cho người khác.

 

Không phải ai cũng có kĩ năng giải quyết tốt những căng thẳng tâm lí tiêu cực. Đặc biệt, đối với trẻ em tuổi học đường, khi mà giai đoạn phát triển tâm lý lứa tuổi khá phức tạp vì sự phát triển nhanh chóng về tâm lý và thể chất mà cơ thể đôi khi khi không đáp ứng một cách đồng bộ được, dẫn đến căng thẳng tâm lí  gây rối loạn hành vi và cảm xúc của trẻ. Nếu sức khỏe tâm thần của bản thân bị mất kiểm soát sẽ dẫn đến những rối loạn tâm lí gây hậu quả khôn lường.

 

 Trong quá trình làm việc hàng ngày bản thân tôi tiếp xúc rất nhiều đối tượng học sinh ở các lứa tuổi với nhiều biểu hiện căng thẳng tâm lý khác nhau, hầu hết các em đều có những biểu hiện rối loạn hành vi cảm xúc thậm chí dẫn đến trầm cảm, tự tử, kích động quá mức hoặc thu hẹp giao tiếp… trong đó chủ yếu nguyên nhân đến từ áp lực từ phía gia đình và nhà trường. Một số em được sống trong gia đình có đầy đủ sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ tới mức “ngộp thở”, hay một số khác lại bị cha mẹ lên án chỉ trích  hay bỏ bê … đều là nhân tố kích thích dẫn đến căng thẳng tâm lý cho trẻ.

 

Tôi xin kể ra đậy một vài câu chuyện để cùng suy ngẫm:

Câu chuyện thứ nhất: về một cậu bé 13 tuổi, là con một nhà gia giáo và học giỏi, ngoan ngoãn đã chia sẻ trong một phiên tham vấn, khi cậu bé bước vào phòng khám của tôi với vẻ mặt mệt mỏi khí sắc trầm buồn cậu bé chia sẻ: “Con thật sự cảm thấy mệt mỏi và chán nản muốn bỏ học và đi đâu đó thật xa để mà tránh xa sự kiểm soát và phán xét của Ba mẹ, con thực sự không muốn đối diện với ba mẹ của mình nữa … cậu bé chia sẻ “con đi học suốt ngày,nào là học ở trường, học ở nhà, học thêm trung tâm ngoại ngữ, học nhạc…trong đầu con lúc nào cũng ám ảnh chữ “học” mà không còn thời gian vui chơi cùng bạn bè, con đã cố gắng hết sức nhưng giường như cha mẹ không hiểu và họ chỉ biết chỉ trích, so sánh con với người này người nọ…con lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị điểm thấp, không đạt danh hiệu này nọ sẽ xấu hổ và làm cha mẹ thất vọng… và lúc này con cảm thấy mình thật tồi tệ, con thấy mình chẳng làm được gì cả, chỉ là kẻ vô tích sự, bla, bla, bla…. Và con chỉ muốn chết cho xong”

 

Chuyện thứ hai: Một người mẹ có đứa con gái duy nhất, và có người chồng “vô tâm”, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do người mẹ lo toan, người mẹ này sinh ra và lớn lên ở nông thôn và chỉ tốt nghiệp trung cấp nghề. Người mẹ hết mực yêu thương và dành thời gian nhiều nhất bên con khi có thể, đứa trẻ hầu như được mẹ giám sát và sắp đặt trong mọi hoàn cảnh…Ngoài việc học tập, vui chơi trong tầm ngắm của mẹ, đứa trẻ thường được mẹ kể những câu chuyện mang những tấm gương sáng, đặc biệt câu chuyện: “ Em phải đến Harvard học kinh tế” của tác giả: Lưu lệ Hoa và Trương Hán Vũ- Cô gái trong truyện là thần tượng học tập của giới trẻ Trung Quốc, đây là một câu chuyện có thật và nhận được sự hưởng ứng tích cực đông đảo ở các bậc phụ huynh. 

 

Việc này không có gì là sai cho đến khi đứa con gái cưng duy nhất có biểu hiện: “Trẩm cảm” ở tuổi dậy thì, sau một cú sốc bé thi trượt vào một trường chuyên mà bé hằng mong muốn, bé cảm thấy tự ti và muốn tìm đến cái chết…Khi đến với nhà tham vấn tâm lý người mẹ hiểu ra mình đã đặt ước mơ và kỳ vọng quá lên đôi vai con gái, tư tưởng phải “giỏi giang thành tài” đã cắm rễ sâu vào tâm thức đứa trẻ mà không lường trước “ năng lực cá nhân” của con mình…

 

Người mẹ tâm sự: “Tôi thật sai lầm khi giáo dục con theo kiểu sắp đặt và tạo áp lực kỳ vọng quá lớn vào con khiến con gái tôi trở thành người nhút nhát, nhu nhược và tự ti như hôm nay. Qua đây tôi nghiệm ra rằng: không có gì quý giá bằng cách biết tôn trọng, khích lệ nhằm tạo động lực thúc đẩy con phát triển theo đúng như những gì vốn có của mỗi cá nhân đứa trẻ”

 

 

NHỮNG ĐIỀU PHỤ HUYNH NÊN LÀM KHI TRẺ BỊ STRESS?

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng của trẻ cả trong gia đình và ở nhà trường, để giúp trẻ giảm tải áp lực từ học tập đông thời giúp trẻ thiết lập mối quan hệ tích cực từ môi trường gia đình và bạn bè.

 

* Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động đoàn đội, vui chơi tập thể và luyện tập thể thao để giảm bớt căng thẳng nội tâm.

 

*Trong trường hợp trẻ không có dấu hiệu cải thiện, hãy đưa trẻ đến gặp Bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý để can thiệp kịp thời giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, tránh tình trạng để trẻ căng thẳng qúa lâu dẫn đến rối loạn lo âu hoặc trầm cảm gây ra những hậu quả không lường như: tự hủy hoại bản thân, tự tử hay nghiện ngập...

 

Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý. MAI THỊ NGUYỆT

 Khoa Tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 2

Đăng bởi: Thúy Nguyễn

[Trở về]

Các tin khác