Những điều cần biết về bệnh rubella
Ngày đăng: 11/04/2014
Lượt xem: 16560
Rubella gây ra bởi virus thuộc thành viên của gia đình Togaviridae. Bệnh biểu hiện bởi sốt, phát ban nhẹ. Tuy nhiên, nếu mẹ mắc phải Rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây cho trẻ những biến chứng nặng nề (hội chứng Rubella bẩm sinh).
Thời kỳ ủ bệnh 14 - 21 ngày với những triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, đỏ mắt, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn và nổi hạch. Hạch chủ yếu ở chẩm, sau tai, trước cổ. Ở trẻ em, biểu hiện đầu tiên là phát ban, bắt đầu ở mặt và cổ, những vết ban màu hồng không đều, kết chùm rồi lan đến thân mình và đầu chi. Khi phát ban, khám họng phát hiện họng có nhiều nốt hoại tử màu hồng nhỏ gọi là điểm Forch heimer, hoặc chấm xuất huyết ở khẩu cái mềm. Ban thường mờ dần theo thứ tự xuất hiện. 25-40% trẻ nhiễm Rubella không phát ban.
Chẩn đoán: được dựa trên vùng dịch tễ, triệu chứng như đã mô tả và xét nghiệm IgM Rubella. Cần phân biệt Rubella với các bệnh gây phát ban khác: Adenovirus, Parvovirus B19, Epstein - Barr virus, Enterovirus...
Biến chứng: giảm tiểu cầu sau nhiễm Rubella (có thể gây xuất huyết da, chảy máu cam 2 tuần sau phát ban), viêm khớp, viêm não, viêm dây thần kinh ngoại biên, viêm cơ tim.
Hội chứng Rubella bẩm sinh: xảy ra ở trẻ có mẹ nhiễm Rubella trong thời kỳ mang thai, với các triệu chứng: điếc, đục thủy tinh thể, tim bẩm sinh, sanh non nhẹ cân, chậm phát triển tâm thần vận động, ban xuất huyết, thậm chí tử vong.
Rubella không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ sốt. Immunoglobulin và Corticoid được xem xét nếu trẻ giảm tiểu cầu nặng. Điều trị Rubella bẩm sinh cần phải có sự kết hợp giữa các chuyên khoa. Khi nghi ngờ trẻ nhiễm Rubella, nên mang đến trung tâm y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Rubella thường có tiên lượng tốt ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, hội chứng Rubella bẩm sinh thường rất nặng nề và ít có triển vọng trong can thiệp điều trị.
Hiện có thể phòng ngừa Rubella bằng vaccin Rubella kết hợp với sởi và quai bị liều đầu từ 12 - 15 tháng và liều 2 từ 4 - 6 tuổi.
Đăng bởi: BS.Hồ Huyền - Khoa Hồi sức
Các tin khác
Đừng quên chích ngừa sởi khi còn có thể! 12/09/2024
Bệnh Sởi Và Những Điều Cần Biết 15/08/2024
Bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng ngừa 13/07/2024
Tiêm vắc-xin để chủ động phòng bệnh Sởi 27/03/2024
Triệu chứng Viêm màng não ở trẻ em 16/01/2024
Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà 17/08/2023