Bấm vào hình để xem kích thước thật

Dị vật đường thở ở trẻ em

Ngày đăng:  19/11/2010

 
Lượt xem: 35345

  1/  Thưa bác sĩ, rất nhiều bà mẹ cho rằng “ cục cưng” của họ không chỉ gặp rủi ro trong tai nạn sinh hoạt tại trường lớp, đường phố mà còn rủi ro hiểm nguy có thể rình rập ngay tại trong gia đình của bé nữa. Thực tế cho thấy mỗi năm tại khoa Cấp cứu Bv Nhi đồng 2 đã tiếp nhận hàng trăm trẻ em gặp tai nạn sinh hoạt trong gia đình. Đặc biệt là tai nạn về dị vật đường thở.  Vậy thưa Bs, trong những trường hợp như thế này thì cách sơ cứu ban đầu mà phụ huynh cần phải làm cho trẻ là gì ạ?

Trả lời:

         Dị vật đường thở ở trẻ em thường gặp là tai nạn sặc hạt dưa hấu, hạt bí, đậu phộng hoặc những mảnh xương (heo, cá) đồi khi là những vật kim loại nhỏ nhọn, kim băng, đầu bút bi... đôi khi là những mảnh bánh tráng hoặc mẩu dưa leo. Khi bị sặc những vật này rơi vào đường thở làm tắc nghẽn nếu không xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

 Những lứa tuổi nào dễ bị dị vật đường thở .

          Dị vật đường thở thường xảy ra ở trẻ nhỏ, tuổi ăn dạm đến 3 tuổi. Ở độ tuổi này trẻ thường tò mò, thích cho vào miệng những vật cầm chơi. Các phản xạ  đóng mở thanh quản để bảo vệ đường thở khi ăn uống và khi hít thở chưa thuần thục. Nếu bất cẩn cho trẻ ăn, ngậm các loại này sẽ rất dễ bị sặc gây dị vật đường thở. Nhiều trường hợp thân nhân trẻ không nhận biết khi trẻ bị sặc để xử trí kịp thời hoặc đưa đến bệnh viện muộn thì dẫn đến bị viêm phổi kéo dài, áp xe phổi, viêm mủ màng phổi rất khó chữa trị.

Xử trí tại chỗ như thế nào?

           Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở phải nhanh chóng xử trí không để trẻ ngạt thở. Nếu trẻ nói được, khóc được đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được khám và gắp dị vật ra. Nếu trẻ khó thở nặng, tím tái, vật vã, hôn mê, thực hiện ngay thao tác vỗ lưng ấn ngực để trẻ ói, ho (có thể dị vật được tống ra ) không bị ngạt thở. Trẻ lớn làm thủ thuật Heimlich để tống dị vật ra ngoài, sau đó đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất.

2/  Dị vật đường thở và đường ăn ở trẻ em là những tai nạn sinh hoạt có thể tránh được. Làm thế nào để phòng tránh dị vật ở trẻ em để không xảy ra tai nạn đáng tiếc ?

 Trả lời

Phòng tránh như thế nào?

   - Không nên để hạt dưa, hạt bí gần tầm nhìn, tấm với của trẻ. Không để vương vãi trên sàn nhà hạt dưa hấu, hạt mãng cầu, vỏ hạt dưa, vỏ hạt bí, trẻ có thể nhặt cho vào miệng.

   - Không cho trẻ nhỏ ăn dưa hấu chưa lấy hết hạt ra hoặc các loại hạt dưa, hạt bí, đậu phọng. Không cho trẻ ngậm miếng dưa leo, mảnh bánh tráng (ví dụ trái sa-bô-chê phải cắt ngang để tách hột cho hết)

   - Không cho trẻ chơi với các loại hạt, đồng tiền, đồ vật nhỏ.

   - Tránh ép trẻ ăn uống khi trẻ đang khóc. Không cho trẻ ngập thức ăn trong miệng và đùa giỡn. nếu nhìn thấy trẻ cho những thức này vào miệng không vội la làm trẻ khóc thét dễ bị sặc.

        Vấn đề đặt ra là tập cho trẻ thói quen không được ngậm bất cứ thứ gì trong miệng, từ những vật nhỏ đến đồ chơi, vật cứng. Nếu thấy trẻ ngậm phải nhẹ nhàng lấy ra, không được làm trẻ sợ hít mạnh vào đường thở. Ðối với trẻ từ 1 - 3 tuổi: không cho ăn những thức ăn dễ rơi vào đường thở như các loại hạt, xương mà nên lọc bỏ. Với những trẻ lớn hơn, không để trẻ nô nghịch, cười đùa khi ăn khiến trẻ mất tập trung dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

3/ Thưa Bs. Lứa tuổi nào ở trẻ dễ bị tai nạn dị vật đường thở nhất và cha mẹ làm sao để phát hiện bé bị hóc, ngạt dẫn đến dị vật đường thở 1 cách sớm nhất? Vì thực tế đã có nhiều ca phát hiện muộn dẫn đến tử vong.

Trả lời

Nhận biết trẻ bị dị vật đường thở

        Lứa  tuổi từ 1 đến 3 tuổi dễ bị mắc dị vật đường thở nhất. Khi thấy trẻ đang ăn, chơi đột ngột ho sặc sụa, khó thở, trợn mắt, mặt tím tái. Sau đó thở khó, ngưng thở do tắc nghẽn đường thở cấp. Nếu dị vật bít một phần đường thở trẻ sẽ thở rít kèm theo ho rũ rượi, cơn ho dồn dập, mặt đỏ gay. Cơn ho này kéo dài sau đó dịu đi, chỉ còn những tiếng ho rải rác. Khi thấy trẻ có dấu hiệu trên phải nghĩ ngay đến trẻ bị hóc dị vật và cho bé đến Bệnh viện càng sớm càng tốt.

 Xin chân thành cám ơn Bác sĩ

Đăng bởi: Ghi theo trả lời của BSCK2 Cao Minh Thức-Phó Khoa TMH-M-RHM

[Trở về]

Các tin khác