Bấm vào hình để xem kích thước thật

Hãy cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết không điển hình.

Ngày đăng:  23/09/2010

 
Lượt xem: 14397

 Dạo gần đây đi đâu cũng nghe nói tới sốt xuất huyết, ra chợ cũng nghe sốt xuất huyết, vô siêu thị, tới bến xe đều nghe nhắc tới sốt xuất huyết, mở báo ra đọc cũng lại là sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết đến hẹn lại lên vì đã vào mùa của nó.

 

Sốt xuất huyết không chỉ gây hoang mang cho người dân mà còn làm cho nhiều người trong ngành, những người đã tiếp xúc nhiều với căn bệnh này cũng không khỏi băng khoăn. Đặc biệt năm nay có nhiều trường hợp sốt xuất huyết không điển hình: khởi đầu với nhiều dạng khác nhau, làm cho đội ngũ y bác sỹ phải giật mình và nếu lơ là, mất cảnh giác có thể đánh đổi cả bằng sinh mệnh của người bệnh.

Tôi xin đề cập tới một số dạng mà chúng tôi đã gặp trong đơn vị của mình:

1.       Một số bệnh nhân sốt 2 – 3 ngày, co giật khi sốt, nhiều khi không chỉ một mà tới 2 lần, được nhập viện trong bệnh cảnh nhiễm trùng với bạch cầu và CRP trong máu tăng cao (bạch cầu: 25.000, CRP: 100mg/l) , chứ không phải như những bệnh cảnh nhiễm siêu vi của sốt xuất huyết trước kia, thậm chí những bệnh nhân này được chọc dò tủy sống vì chưa loại trừ được viêm màng não.

2.       Bệnh nhân sốt một ngày và nhập viện với tình trạng nhiễm trùng nặng có tổn thương đa cơ quan được chẩn đoán là nhiễm trùng huyết, nhưng không tìm được ổ nhiễm trùng nào cụ thể sau 4 – 5 ngày theo dõi. Cuối cùng là sốt xuất huyết. Trường hợp này lúc đầu CRP > 100mg/l, bạch cầu máu cũng rất cao, nhưng sau vài ngày theo dõi bạch cầu máu và tiểu cầu trong máu giảm nhanh, huyết thanh chẩn đoán sốt xuất huyết dương tính.

3.       Bệnh nhân khởi bệnh sốt 3 ngày với ho rất nhiều, sổ mũi liên tục, được chẩn đoán viêm hô hấp trên, cho điều trị ngoại trú chỉ mới một ngày, khi nhập viện trở lại trong bệnh cảnh sốt xuất huyết độ IV.

4.       Nhiều bệnh nhân nhập viện trong bệnh cảnh sốt kéo dài, người nhà luôn khẳng định là con tôi sốt 7 – 8 ngày không dấu hiệu đi kèm làm chúng ta cứ nghĩ bệnh nhân sốt kéo dài, không nghĩ tới sốt xuất huyết. Như vậy rất dễ sót bệnh, nhiều bệnh nhi được khai bị bệnh đến 10 ngày, có khả năng do công việc bận rộn, cuộc sống hối hả nên các bậc cha mẹ quên cả ngày tháng.

5.       Có trường hợp bệnh nhi sốt liên tục 3 – 4 ngày, sau đó hết sốt hoàn toàn 1 – 2 ngày. Tuy nhiên bệnh nhi không khỏe, khi sốt lại cũng là lúc bệnh nhi rơi vào tình trạng sốc.

6.       Có bệnh nhi đến khám bệnh trong bệnh cảnh sốt 1 ngày kèm ói, đau bụng thậm chí sờ bụng có đề kháng, bệnh nhi đã được hội chẩn ngoại khoa vì nghi ngờ viêm ruột thừa cấp với xét nghiệm loại trừ sốt xuất huyết nhưng cuối cùng đúng là sốt xuất huyết.

Trên đây chỉ là một số trường hợp đã xảy ra ở khoa chúng tôi, một đơn vị không chuyên về sốt xuất huyết, nên chúng tôi muốn nêu lên để các anh, chị, em bác sỹ trẻ phải luôn đề cao cảnh giác trong mùa sốt xuất huyết, phải luôn nghĩ đến nó, có nghĩ thì mới cho làm xét nghiệm kiểm tra và thường xuyên theo dõi đễ phát hiện dấu hiệu trở nặng của bệnh để có thể phát hiện kịp thời khi bệnh vào sốc. Tránh để sót bệnh, để sốc kéo dài mới được phát hiện thì nhiều khi quá muộn có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Hiện nay bệnh viện Nhi đồng 2 chúng ta có đầy đủ xét nghiệm để chẩn đoán sốt xuất huyết. Nếu bệnh nhi sốt dưới 4 ngày chúng ta cho thử NS1, từ ngày thứ 5 trở đi cho thử Elisa Dengue, khoảng giữa ngày 4 và 5 nếu cho thử khả năng dương tính không cao, nếu kết quả về âm tính cũng không được lơ là mất cảnh giác mà phải theo dõi sát các dấu hiệu  lâm sàng và dấu hiệu sinh tồn nhất là mạch, huyết áp, xét nghiệm huyết đồ kiểm tra. Chúng tôi đã từng gặp những ca bệnh mà số lượng tiểu cầu hôm trước là ≥300.000-400.000 nhưng ngày hôm sau đã giảm xuống chỉ còn 50.000-60.000, đặc biệt bệnh nhi có thể vô sốc nếu ở ngày thứ 3- ngày thứ 7 của bệnh.

 

Đã vào mùa sốt xuất huyết,  dạng bệnh có thể thay đổi theo thời gian, không có gì là bất biến nên chúng ta phải luôn cảnh giác. Bác sỹ và điều dưỡng phải phối hợp nhịp nhàng, kết hợp lâm sàng và cận lâm sàng. Nêu ra các vấn đề trên chúng tôi chỉ muốn chia sẻ với đồng nghiệp một vài dạng bệnh sốt xuất huyết mà chúng tôi đã gặp tại đơn vị mình. Chúng tôi rất mong được sự chia sẻ của các đồng nghiệp ở khoa bạn, các chuyên gia hàng đầu về sốt xuất huyết để có thêm nhiều kinh nghịệm ngoài sách vở, giúp cho việc chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết ngày càng tốt hơn.

Đăng bởi: BS.CK2.Nguyễn Thanh Hương

[Trở về]

Các tin khác