Bấm vào hình để xem kích thước thật

Tồn tại lỗ bầu dục

Ngày đăng:  06/07/2008

 
Lượt xem: 95079

Câu hỏi:

Con tôi sinh mổ 3.5Kg lúc được 1 ngày thì có hiện tượng tím tái.Và đưa vào bệnh viện khám thì bác sĩ chuẩn đóan là bị tim bẩm sinh:tồn tại lỗ bầu dục (theo dõi tăng áp động mạch phổi).
Được 15 ngày thì bác sĩ cho ra viện, nay cháu đã 3 tháng đươc 7.5kg cao 63cm. 
Tôi muốn biết rõ hơn về bênh của cháu. Tôi cần lưu ý gì khi chăm sóc cháu tại nhà.
Mong được bệnh viện hồi âm sớm.
Cảm ơn

Người hỏi: Nguyễn Thị Kim Oanh

Trả lời:

 

Chào chỊ Kim Oanh!

   Trong thời kỳ bào thai, trẻ không ăn uống cũng như hít thở, chủ yếu được nuôi dưỡng qua máu cuống rốn từ mạch máu tử cung của mẹ chảy qua. Do đó, phổi chưa hoạt động, áp lực của hệ mạch máu phổi cao hơn áp lực hệ mạch máu động mạch chủ.

   Máu từ tĩnh mạch rốn của bào thai đổ về tĩnh mạch chủ dưới, về tâm nhĩ phải, từ đây máu qua lỗ bầu dục (nằm giữa 2 tâm nhĩ-thông nối giữa tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái) đến tâm nhĩ trái, xuống tâm thất trái, theo động mạch chủ lên đến nuôi dưỡng các cơ quan phần trên của bào thai (từ 2 chi trên trở lên). Sau đó theo tĩnh mạch chủ trên trở về tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải, vào động mạch phối gốc. Do phổi chưa hoạt động, nên chỈ có 10% lượng máu lên phổi, còn 90% qua ống động mạch vào động mạch chủ xuống đến nuôi dưỡng các cơ quan phần dứơi của bào thai. Sở dĩ máu từ tâm nhĩ phải qua tâm nhĩ trái, từ động mạch phổi theo ống động mạch qua động mạch chủ là do lúc này áp lực hệ mạch máu phổi cao hơn áp lực hệ mạch máu động mạch chủ như đã nói ở trên.

   Sau khi chào đời, phổi bắt đầu hoạt động, lượng máu lên phổi tăng, dãn hệ thống mạch máu phổi, lúc này áp lực của hệ mạch máu phổi giảm thấp hơn áp lực hệ mạch máu động mạch chủ. Máu không còn đi từ hê mạch máu phổi qua hệ mạch máu động mạch chủ nữa, lỗ bầu dục và Ống động mạch đóng dần đến bít hẳn, hệ tuần hoàn của trẻ hoạt động như người bình thường.

   Tuy nhiên, ở một số trẻ ngay sau khi sinh, vẫn tồn tại tuần bào thai trong thời gian ngắn, áp lực của hệ mạch máu phổi vẫn cao hơn áp lực hệ mạch máu động mạch chủ, lỗ bầu dục không đóng, máu vẫn đi từ nhĩ phải qua nhĩ trái, đưa lượng máu chưa được oxy hóa đến các cơ quan, do đó biểu hiện tím tái.

   Trường hợp của cháu bé có thể là tồn tại tuần hoàn bào thai nên khi siêu âm tim phát hiện cao áp động mạch phổi, lỗ bầu dục vẫn chưa đóng và biểu hiện tím tái trên lâm sàng.

   Sau một thời gian nếu áp lực mạch máu phổi trở về bình thường (tức là thấp hơn  áp lực hệ động mạch chủ), máu sẽ không chảy từ tim phải sang tim trái nữa, trẻ sẽ không còn triệu chứng tím, lỗ bầu dục sẽ đóng lại. Lúc này trẻ sẽ sống như những trẻ bình thường khác, hoặc nếu lỗ bầu dục vẫn tồn tại và không đóng lại thì trẻ vẫn bình thường không ảnh hưởng đến chức năng của tim.

   Tồn tại lỗ bầu dục không phải là một dị tât tim bẩm sinh trầm trọng, không ảnh hưởng đến chức năng của tim như những dị tật tim bẩm sinh khác như thông liên thất, còn ống động mạch, tứ chứng Fallot,...

   Chị an tâm, con của chị sau 3 tháng mà cân nặng đã tăng 4 kg như vậy là rất tốt. Chị có thể cho bé đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để được siêu âm tim kiểm tra lại xem lỗ bầu dục đã đóng hẳn chưa. Nếu lỗ bầu dục chưa đóng hẳn cũng không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của bé.

Trả lời bởi: BS.CK2.Trịnh Hữu Tùng

[Trở về]

Các tin khác

Dãn cơ tim 05/04/2014