Nhiều trẻ bệnh lồng ruột nhập viện
Ngày đăng: 08/06/2010
Lượt xem: 9930
Gần đây, số trẻ mắc bệnh lồng ruột đến điều trị tại Bệnh viện nhi đồng 2 gia tăng đáng kể. Mỗi ngày có đến 6 ca lồng ruột ở trẻ nhỏ nhập viện. Đa số các bệnh nhi bị lồng ruột đều có đau bụng từng cơn, có dấu hiệu mất nước, mệt lã hoặc có thể sốt. Các bác sĩ cho biết đây là một cấp cứu ngoại khoa cần được phát hiện và xử trí sớm.
Lồng ruột là một cấp cứu ngoại nhi thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ nhỏ. Lồng ruột ở trẻ bú mẹ hầu hết là cấp tính, diễn biến hoại tử ruột nhanh, còn lồng ruột ở trẻ lớn phần nhiều ở thể bán cấp và mạn tính. Đây là trạng thái bệnh lý trong đó 2 khúc ruột trên và dưới chui lồng vào nhau gây nên hội chứng tắc ruột cơ học, tạo nên khối lồng bít lòng ruột. Khi ruột mới bị lồng thì chỉ cần bơm hơi vào đại trực tràng là xử trí được nhưng nếu để lâu đoạn lồng ngày một chui sâu vào nhau, làm cho đoạn ruột bị lồng sưng nề, các mạch máu nuôi ruột bị tắc nghẽn, lúc này phải tiến hành biện pháp phẫu thuật để kéo ruột ra, nếu ruột đã hoại tử phải cắt bỏ đoạn ruột này. Trường hợp bệnh nhi đến muộn sẽ có dấu hiệu mất nước, mệt lã hoặc trong tình trạng sốc.
Nhận biết trẻ bị lồng ruột
Lồng ruột cấp hay gặp ở trẻ dưới 24 tháng tuổi( hiếm gặp ở tuổi sơ sinh) với biểu hiện đột ngột bị đau bụng dữ dội, trẻ ưỡn người khóc thét từng cơn, mỗi cơn kéo dài từ 3 - 10 phút. Kèm theo đau dữ dội là trẻ bị nôn vọt, chất nôn ra là sữa và thức ăn vừa ăn vào. Nếu thời gian bị lồng ruột đã kéo dài, trẻ có thể nôn ra dịch mật. Bên cạnh các dấu hiệu đau bụng và nôn thì trẻ còn đi cầu phân có lẫn máu hoặc chất nhày lẫn máu, sau 9 - 10 giờ tính từ triệu chứng đau bụng đầu tiên. Ở trẻ càng nhỏ, dấu hiệu đại tiện ra máu càng sớm. Nếu trẻ đi cầu ra máu sớm và nhiều thì khối lồng ruột thường chặt và khó tháo. Các bác sĩ cũng cho hay những trường hợp này khi vào bệnh viện thăm khám thấy khối lồng dài như quả chuối, chạy dọc theo khung đại tràng ở dưới bờ sườn phải hoặc sang tới dưới bờ sườn trái, hố chậu trái, ấn vào khối lồng sẽ làm trẻ đau. Nếu trẻ đến viện sớm thì bụng thường mềm, còn nếu bụng cứng, nắn bụng đau thì lồng ruột đã muộn và có thể có biến chứng. Đây là bệnh gặp ở lứa tuổi nhỏ, trẻ bị đau nhưng chưa biết nói được là đau ở đâu và đau như thế nào, do vậy nhận biết bệnh của cha mẹ rất quan trọng.
Bên cạnh thể cấp tính ở trẻ dưới 24 tháng tuổi thì tình trạng lồng ruột bán cấp và mạn tính lại gặp nhiều ở tuổi từ 3 - 4 tuổi. Tất cả các trẻ này đều đau bụng kéo dài từng đợt, các cơn đau thưa, vài cơn đau trong ngày, mỗi đợt đau độ 2 - 6 ngày rồi hết đau, sau đó tái diễn lại. Tình trạng này có thể kéo dài hàng tháng. Ở thể lồng ruột bán cấp tỷ lệ trẻ nôn là 50 - 70%, còn ở thể mạn tính trẻ nôn ít hoặc chỉ có cảm giác buồn nôn. Khối lồng hầu hết là nắn thấy nhưng lại xuất hiện từng đợt, trong cơn đau khối lồng sờ thấy rõ nhưng ngoài cơn đau khối lồng có thể mất. Người ta từng gọi khối lồng trong lồng ruột bán cấp và mạn tính là khối “u ma”. Tuy nhiên lồng ruột cấp vẫn có thể xảy ra ở lứa tuổi này và rất nhanh dẫn đến hoại tử khối lồng.
Xử trí lồng ruột
Nếu trẻ được phát hiện sớm vài giờ đồng hồ khi đoạn ruột lồng ít và mới thì sẽ tiến hành bơm hơi từ hậu môn trực tràng, đoạn lồng sẽ được thoát ra. Nếu trẻ được phát hiện bệnh muộn và trì hoãn đến viện thì có nhiều nguy cơ xảy ra như hoại tử ruột, khi đó phải phẫu thuật cấp cứu, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Siêu âm là phương tiện tốt để chẩn đoán xác định lồng ruột.
Do vậy điều cần thiết nhất là khi thấy trẻ có những dấu hiệu bệnh như trên các bậc cha mẹ cần nghĩ đến tình trạng lồng ruột, cần đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa Nhi để được thăm khám và xử trí kịp thời.
Đăng bởi: PV Hà Thanh
Các tin khác
Thông báo mời tham dự Hội nghị Khoa học Ghép tạng Trẻ em năm 2024 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 25/11/2024
Chương trình Giao lưu trực tuyến, chủ đề: “Trẻ sinh non và những lưu ý trong quá trình chăm sóc” 12/11/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 11/2024 06/11/2024