Bấm vào hình để xem kích thước thật

Tin vui: Chạy ECMO cứu sống bé trai 6 tuổi bị sốc phản vệ

Ngày đăng:  27/01/2023

 
Lượt xem: 2511

Dần hồi phục thần kỳ sau cơn bạo bệnh, bé S. (sinh năm 2016) chậm rãi phát âm từng lời cảm ơn đến các bác sĩ, các cô điều dưỡng đã tận tình cứu chữa.

Đang cùng con xếp những chiếc xe đồ chơi, anh Nguyễn Văn Hiếu ba của bệnh nhi vẫn còn nguyên cảm giác vui sướng. Ngồi tâm sự, anh vừa xem lại những hình ảnh con mình dạo đường hoa xuân tại bệnh viện mấy hôm trước. Có lẽ đây là một cái Tết đầy cảm xúc, khó quên của gia đình anh: “Bác sĩ dặn sau khi đóng hậu môn tạm thì con có thể được xuất viện, trở về nhà rồi. Từ hôm hay tin con khoẻ đến nay tôi mừng dữ lắm…”, anh Hiếu nghẹn ngào! Anh không quên cảm ơn bệnh viện và các mạnh thường quân đã thông qua phòng Công tác xã hội, hỗ trợ chi phí cho con anh.

 

Tháng 10 vừa qua, bé S. bị bệnh viêm phổi và nhập viện tại bệnh viện tuyến dưới. Trong quá trình điều trị, bé bị sốc phản vệ nghi do thuốc kháng sinh. Ngay sau đó bé được chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng sốc phản vệ nặng, tổn thương đa cơ quan. Nhận thấy tình hình nguy kịch, bé được các bác sĩ khoa cấp cứu và hồi sức chỉ định và thực hiện chạy ECMO (tim phổi nhân tạo thông qua tuần hoàn ngoài cơ thể). Qua nhiều phiên điều trị với sức sống mãnh liệt, bé đã không làm phụ lòng các y bác sĩ và dần cai được ECMO, hồi phục gần như bình thường.

 

Liên quan đến việc trẻ bị sốc phản vệ, BS.CK1 Nguyễn Hiền, khoa Ngoại tổng hợp cho biết, đây là một kiểu phản ứng dị ứng cấp tính nặng và đe dọa trực tiếp tới tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

 

Sốc phản vệ xảy ra sau khi tiếp xúc với các chất dị ứng (dị nguyên) như thuốc, nhựa mủ, nọc độc, ong chích, kiến đốt,… hay là những thực phẩm hàng ngày không phù hợp với cơ thể mỗi người như: cá ngừ, tôm, tép, ốc, trứng, sữa, khoai tây, đậu phộng, đậu nành.... Các dấu hiệu nhận biết như: cảm giác chóng mặt; xây xẩm đứng không vững do hạ huyết áp; tay chân lạnh; vã mồ hôi; mạch nhanh nhẹ khó bắt; phát ban trên da; buồn nôn và nôn. Bệnh nhân cần được phát hiện sớm, xử trí đúng, kịp thời, nếu phát hiện trễ hoặc xử trí không đúng có thể gây nguy hiểm.

 

Song song đó, ECMO đưa máu ra bên ngoài cơ thể, sau đó loại bỏ cacbon dioxit và thêm oxy vào tế bào hồng cầu. Công nghệ này được áp dụng để điều trị các ca bệnh trong giai đoạn cuối, suy tim hay suy hô hấp nghiêm trọng, cũng là biện pháp cuối cùng để cứu bé.”

 

Bé S. nay đã dần khoẻ và đã có những ngày Tết thật hạnh phúc bên gia đình tại bênh viện.

 

Sau nhiều ngày liền nằm trên giường bệnh, bé S. đã tươi tắn hẳn, nói được vài câu đơn giản và tập đi. Những bước chân còn yếu ớt, giọng nói chưa được rõ nhưng bé đã cố gắng gửi lời cảm ơn, lời chúc tết tốt đẹp đến mọi người. “Con vui lắm. Con chúc các bác sĩ, các cô chú ở đây năm mới vui vẻ, nhiều sức khoẻ, cứu chữa cho nhiều bạn được mạnh khoẻ như con. Chúc các bạn năm mới mau chóng hết bệnh…!”.

 

Đây là một tin vui nhiều lạc quan trong những ngày đầu năm mới. Bên cạnh bé S., bệnh viện rất mong các bạn nhỏ sẽ mau chóng hết bệnh để cùng gia đình được vui những ngày xuân mới nhé!

Đăng bởi: Nguyễn Tâm

[Trở về]

Các tin khác