Bé húng hắng ho và kéo dài
Ngày đăng: 07/12/2009
Lượt xem: 13934
Câu hỏi:
Cậu hỏi :
Kính thưa Bác Sĩ,
Con tôi năm nay 7 tuổi rưỡi, nặng 29 kg cao 120 cm
Xin Bs vui lòng dành thời gian cho biết xem cháu có bị lùn không ?.
Bs vui lòng cho tôi hỏi thêm bé đổ rất nhiều mồ hôi và húng hắng ho, nhưng ho nhiều về buổi chiều .
Đặc biệt trước khi đi ngủ tôi thường cho bé uống một ly sữa rồi sau đó cho bé đi ngủ được khoảng nửa tiếng thì mồ hôi trộm đổ ra kèm theo tiếng ho của bé kéo dài và liên tục cho đến khi bé ói ra sữa và đồ ăn tối của bé và có kèm theo rất nhiều đàm nhớt, khi ngủ tiếng ngáy của bé hơi to. Sau khi nôn ói xong tôi cho bé uống lại một ly sữa nữa thì bé không bị ho và không ói nữa và bé ngủ đến sáng luôn.Sáng thức dậy thì bé lại húng hắng ho. Ban ngày bé uống sữa không bị nôn ói.Tôi có cho bé đi khám BV Nhi Đồng 2 thì bác sĩ nói bé không bị sao, không cần uống trụ sinh vì do dị ứng môi trường ô nhiễm.
Tôi thực sự lo lắng và chẳng biết phải làm sao nữa xin Bs cho tôi lời khuyên vì cháu vẫn ho húng hắn hoài, không cách nào hết .
Chân thành cảm ơn Bác Sĩ
Kinh chúc BS luôn vui khỏe.
Cao Minh Nghia
Trả lời:
Trả lời :
Xin chào anh,
Con anh (không ghi rõ trai hay gái) có cân nặng và chiều cao như vậy được xếp vào nhóm béo phì độ 1 (BMI > 95%). Chiều cao trung bình ở lứa tuổi này là 124,4 cm ở nam; 123,5 cm ở nữ; gọi là lùn nếu < 113,9 cm ở nam, < 112 cm ở nữ.
Với tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay (khói bụi ngoài đường, khói thuốc lá trong nhà), tỉ lệ trẻ em bị nhiễm trùng đường hô hấp trên ngày càng tăng. Ho là biểu hiện thường gặp nhất; đây là một phản xạ có lợi của cơ thể nhằm tống các chất độc hại, gây kích thích ra khỏi đường thở. Do đó, một số thuốc ức chế ho còn khiến cho đàm nhớt bị giữ lại, không tống ra được. Một số trẻ viêm VA mãn tính hoặc có amiđan phì đại còn có thêm triệu chứng ngáy khi ngủ do đường thở bị tắc nghẽn. Ngoài ra, khi nằm, nước mũi chảy dọc xuống thành sau họng cũng kích thích gây ho. Uống kháng sinh kéo dài cũng không giải quyết dứt điểm được tình trạng ho là như thế.
Vậy thì phải làm sao?
Đeo khẩu trang thường xuyên khi ra đường để giảm phần nào khói bụi ô nhiễm hít vào người. Tránh xa khói thuốc lá và lông súc vật (chó, mèo). Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tránh để đổ mồ hôi nhiều vì khi mồ hôi bốc hơi sẽ gây nhiễm lạnh. Cuối cùng là duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.
Riêng trường hợp của con anh, anh không nên cố gắng ép con uống lại đủ lượng sữa vừa ói nữa vì bé đã thừa cân. Vả lại, ăn uống rồi đi ngủ ngay sẽ tạo điều kiện cho sâu răng phát triển nặng thêm, đồng thời năng lượng nạp vào không được sử dụng ngay sẽ tích lũy thành mỡ. Tốt nhất là ăn uống trước khi ngủ hai giờ đồng hồ. Còn về tình trạng húng hắng ho kéo dài, nếu vẫn không cải thiện được với các biện pháp phòng ngừa như trên, anh nên đưa cháu bé đến khám chuyên khoa hô hấp tại phòng khám hô hấp của bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân và điều trị bệnh cho cháu.
Chúc anh và cháu bé luôn khỏe mạnh.
Thân mến,
Trả lời bởi: Th.Bs Bùi Nguyễn Đoan Thư - Khoa Hô hấp Bv Nhi đồng 2
Các tin khác
Bé Sốt chỉ đắp lá thuốc được không? 18/02/2016
Làm sao phòng ngừa bệnh khò khè ở trẻ ? 12/11/2015
Mỗi khi bé ngẩng cổ lên thì nghe khò khè 02/04/2015
Nguyên nhân khò khè hô hấp ở trẻ 03/10/2014
Tư vấn hen suyễn 30/08/2014