Thuốc nhỏ mũi Naphazoline: Hiệu quả nhanh chóng, hậu quả khôn lường
Ngày đăng: 02/07/2014
Lượt xem: 14284
Ngày 13/3/2014, bé N.P.L, 29 tháng tuổi được đưa đến Bệnh viện Nhi Đống 2 trong tình trạng lơ mơ, ngủ gà, nhịp tim chậm và không đều. Qua khai thác bệnh sử, đặc biệt là tiền căn dùng thuốc, BS đã chẩn đoán bé bị ngộ độc Naphazoline.
Các trường hợp ngộ độc thuốc nhỏ mũi khá nhiều, thường rơi vào những trẻ dưới 3 tuổi (chiếm 90%) do nhỏ quá liều và không đúng chỉ định. Sau nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra dường như các bậc cha mẹ vẫn còn mắc sai lầm trong việc sử dụng loại thuốc này.
Về mặt giải phẫu và sinh lý, đường thở của trẻ nhỏ rất dễ bị kích ứng, sung huyết khi nhiệt độ thay đổi đột ngột, đặc biệt là khi chuyển mùa. Khi bị nghẹt mũi, trẻ sẽ khó bú, khó ngủ và quấy khóc. Những lúc như thế, phần vì thương con, phần vì nôn nóng các bậc cha mẹ thường tự ý dùng các loại thuốc nhỏ mũi cho trẻ mà không hiểu hết về thành phần cũng như tác dụng của thuốc. Thuốc được dùng phổ biến là Naphazolin với khá nhiều tên thương mại như Rhinex, Rhinazin, Nasoline... với hàm lượng 0,025%, 0,05%, 0,1% . Thuốc có giá thành rẻ, dễ mua ở hầu hết các nhà thuốc và nhanh chóng làm giảm triệu chứng nghẹt mũi khi mới sử dụng.
Về cơ chế, Naphazolin có tác dụng làm co mạch tại chỗ nhanh và kéo dài, giảm sưng và sung huyết niêm mạc. Sau khi nhỏ dung dịch Naphazolin tác dụng co mạch đạt trong vòng 10 phút và kéo dài khoảng 2 – 6 giờ. Khi sử dụng, không được dùng Naphazolin liên tục quá 3 ngày. Sử dụng nhiều lần trong ngày hoặc dùng liên tục trên 1 tuần có thể gây ra tình trạng quen thuốc, chẳng những không còn tác dụng chống sung huyết, mà còn làm cho nghẹt mũi nhiều hơn… Ngộ độc do quá liều (khi dùng tại chỗ liều quá cao hoặc uống nhầm) có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương như hạ thân nhiệt, tim đập chậm, ra mồ hôi, buồn ngủ, co giật, hôn mê đặc biệt ở trẻ em.
Chính vì thế không nên dùng thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đối với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi nếu có chỉ định có thể dùng dung dịch 0,05% hoặc 0,1%. Trẻ em 6-12 tuổi, dùng dung dịch 0,025% hoặc 0,05% theo chỉ định và dưới sự theo dõi của thầy thuốc.
Như trường hợp bé N.P.L trên, chỉ cần với một lượng nhỏ (khoảng 2 giọt) là đã đủ gây nguy hiểm cho trẻ. Sau khi nhỏ mũi thì chỉ với một khoảng thời gian ngắn ( 30 phút – 2 giờ) sẽ xuất hiện các biểu hiện như tay chân lạnh, vã mồ hôi, trẻ lừ đừ, thở yếu thậm chí có thể dẩn đến hôn mê. Những dấu hiệu nặng của tình trạng này là nhịp tim không đều, ngưng thở từng cơn.
Lời khuyên: Nếu con bạn bị nghẹt mũi hãy tiến hành làm thông mũi cho trẻ. Nếu trẻ nghẹt nhiều, khó thở nên sử dụng nước muối sinh lý NaCl 0,9% làm loãng dịch mũi để dễ dàng làm sạch mũi.
Đăng bởi: BS.Nguyễn Thị Minh - Khoa Nội Tổng hợp
Các tin khác
Thông báo mời tham dự Hội nghị Khoa học Ghép tạng Trẻ em năm 2024 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 25/11/2024
Chương trình Giao lưu trực tuyến, chủ đề: “Trẻ sinh non và những lưu ý trong quá trình chăm sóc” 12/11/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 11/2024 06/11/2024