Bấm vào hình để xem kích thước thật

CẨN THẬN VỚI ÁP-XE CƠ THẮT LƯNG CHẬU

Ngày đăng:  14/05/2014

 
Lượt xem: 22728

Bé L.T.Q.T, 26 tháng, ngụ ở Lagi, được chuyển viện xuống BV Nhi Đồng 2 vì sốt cao và đau bụng nhiều ngày. Người nhà cho hay bé sốt cao liên tục 4 ngày ở nhà, đồng thời cứ than đau bụng, bụng chướng dần lên và đụng vào rất đau, đặc biệt vùng hông lưng và hố chậu bên trái. Ngoài ra, bé không chịu đi vì cử động chân trái rất đau, cứ phải nằm trong tư thế dạng háng và co chân lên.

Qua thăm khám và khảo sát thêm bằng siêu âm, các bác sĩ phát hiện thấy có 1 khối choán chỗ rất lớn nằm dọc theo vùng hông lưng của bé, bên trong chứa dịch lợn cợn tính chất giống như mủ. Nhận định đây là 1 trường hợp tụ mủ ở cơ thắt lưng chậu cấp tính, các bác sĩ trực đã nhanh chóng hội chẩn để mổ thoát lưu ổ mủ này. Kết quả của cuộc mổ là  khoảng 300ml dịch mủ vàng xanh, rất hôi đã được dẫn lưu ra ngoài. Sau mổ, bé hết sốt, hết đau bụng, ăn uống lại được, chân trái co duỗi lại bình thường.

 

Thạc sĩ bác sĩ Phan Tấn Đức, phẫu thuật viên chính, cho biết đây là 1 trường hợp áp-xe (tụ mủ) cơ thắt lưng chậu điển hình, nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng huyết và tử vong. Cơ thắt lưng chậu là cơ chạy từ vùng giữa thắt lưng vào khung xương chậu và đùi. Áp-xe cơ  thắt lưng chậu là tình trạng viêm dày lên và tích tụ mủ ở vỏ bọc màng bao quanh cơ này khi có sự xâm nhập của vi khuẩn, có thể xảy ra ở một bên hoặc 2 bên chân. Bệnh này thường xuất hiện sau 1 chấn thương gây bầm dập cơ hoặc thường là hậu quả sau 1 đợt nhiễm trùng đường tiêu hóa, tiết nệu sinh dục (nhất là ở bé gái).

 

Ngoài ra, bệnh cũng dễ xuất hiện ở những trẻ dinh dưỡng kém, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, trẻ mắc các bệnh hệ thống (lupus, xơ cứng bì...), trẻ có tiền sử dùng các thuốc chứa corticoid kéo dài. Dấu hiệu của bệnh khởi phát đôi khi rất kín đáo (trẻ hay than đau bụng vùng hông, lưng, hạ vị và than đau khi đi nhiều hay khi chạy nhảy nhiều, ăn ít và không ngon miệng, cảm giác mệt mỏi mơ hồ, khó chịu) kéo dài khoảng 2-3 tuần trước đó; trước khi bước sang giai đoạn toàn phát là sốt cao, bụng chướng căng đau. Cơ thắt lưng chậu là cơ mạnh nhất ở vùng đùi, giúp cho việc đi đứng, chạy, nhảy và đúng dậy khi đang ngồi.

 

Do vậy, có 1 dấu hiệu rất đặc hiệu của bệnh là khi có tụ mủ cơ này, trẻ thường có tư thế nằm rất đặc hiệu để giảm đau là dạng háng và co chân lên. Các biến chứng của bệnh là hủy hoại cơ thắt lưng và gây viêm nhiễm các mô kế cận dẫn đến nhiễm trùng không kiểm soát được nếu không điều trị hoặc điều trị không triệt để. Các bậc phụ huynh nên chú ý và đưa bé đến khám nếu có các dấu hiệu trên.

 

cơ thắt lưng chậu

 

Đăng bởi: BS Trương Anh Mậu, khoa ngoại

[Trở về]

Các tin khác