Bí tiểu do sỏi kẹt niệu đạo ở bé trai hai tuổi
Ngày đăng: 17/02/2014
Lượt xem: 12489
Ngày 14/2/2014, bé H.N, 2 tuổi, nhà ở Đồng Nai, nhập khoa Niệu bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng bí tiểu cấp. Khai thác bệnh sử cho thấy bé có tiền căn hay tiểu lắt nhắt, tiểu đau, có lúc tiểu máu được chẩn đoán viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu nhiều lần nhưng điều trị không hiệu quả.
Qua thăm khám, làm siêu âm hệ niệu và X-quang bụng, các bác sĩ phát hiện bé bị sỏi ở vị trí cổ bàng quang gây bít tắc đường ra của nước tiểu. Kích thước của viên sỏi tuy nhỏ (khoảng 10x3mm) nhưng lại không đủ nhỏ để bé tiểu ra ngoài, do đó sỏi cứ kẹt ở cổ bàng quang hay thậm chí xuống niệu đạo gây tình trạng bí tiểu cấp, tiểu máu do xây xát niêm mạc niệu đạo. Các bác sĩ đã ứng dụng những dụng cụ nội soi rất nhỏ chỉ dùng ở trẻ em để nội soi và tán sỏi bằng Laser cho bé. Ca mổ tiến hành thuận lợi, chỉ mất khoảng 30 phút, thời gian gây mê rất ngăn. Bé ổn định, hết đau, tiểu được.
Theo ThS.BS.Phạm Ngọc Thạch, Phó Khoa Niệu bệnh viện Nhi đồng 2 thì sỏi thận ở trẻ em là 1 bệnh khá hiếm, nhất là những trẻ nhỏ; khoảng 1/1000-1/7000 trẻ nhập viện được chẩn đoán sỏi thận. Sỏi hình thành liên quan mật thiết tới yếu tố môi trường và di truyền. Bỏ qua yếu tố di truyền thì gần nay số trẻ em mỗi năm phải đến viện điều trị vì bệnh sỏi thận ngày càng tăng lên. Thủ phạm chính là do chế độ ăn uống và lối sống hiện nay. Ăn nhiều thức ăn nhanh có quá nhiều muối, ít uống nước, ít vận động là những nguyên nhân giúp hình thành nhanh sỏi thận ở trẻ em, nhất là những trẻ có sẵn các bệnh lý rối loạn chuyển hoá. Ngoài ra, các trẻ thường bị nhiễm trùng đường tiểu, có bất thường những chỗ hẹp tự nhiên của đường tiết niệu ( hẹp khúc nối bể thận-niệu quản, hẹp khúc nối bàng quang – niệu quản) hay những bệnh lý gây cản trở sự tống xuất nước tiểu như bàng quang thần kinh… cũng là điều kiện thuận lợi để tạo sỏi.
Triệu chứng thường gặp của sỏi đường tiết niệu là đau vùng hông lưng, tiểu ít, tiểu máu, đặc biệt là nếu gia đình có tiền sử bị bệnh sỏi thận. Ở trẻ nhỏ thì trẻ dễ kích thích, quấy khóc, ói, thường xuyên nhiễm trùng tiểu biểu hiện qua triệu chứng la khóc mỗi lần đi tiểu. Đôi khi bệnh sỏi thận ở trẻ chỉ phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng.
Sỏi đường tiết niệu trẻ em gặp nhiều nhất ở thận, tiếp theo là sỏi niệu quản, sỏi bàng quang ít gặp hơn nhưng lại có các triệu chứng rất đặc hiệu như tiểu khó, tiểu ngắt quãng (do sỏi lấp đường ra của nước tiểu) và đi tiểu nhiều lần do cổ bàng quang bị kích thích. Trước đây đối với bệnh lý này các bác sĩ thường phải mổ mở bàng quang lấy sỏi.
Ở các nước phát triển, sỏi niệu ở trẻ hầu như được điều trị bằng các phương pháp ít sang chấn và xâm lấn tối thiểu như nội soi gắp sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da và đặc biệt tán sỏi nội soi ngược dòng.Ưu điểm của kỹ thuật tiên tiến này là ít xâm hại, cho phép tiếp cận sỏi dễ dàng và có thể điều trị hầu hết các viên sỏi ở niệu quản, bàng quang. Tại TPHCM, kỹ thuật này được áp dụng tương đối rộng rãi ở người lớn, tuy nhiên còn rất ít ở trẻ em và được áp dụng tại các bệnh viện có nội soi nhi, trong đó có BV Nhi Đồng 2.
Hình ảnh phẫu thuật nội soi tán sỏi
Mỗi ca nội soi chỉ khoảng 30 phút. Với việc áp dụng phương pháp mới này, bệnh nhi sẽ ít đau hơn, không có sẹo, tránh được nhiều biến chứng sau mổ, thời gian nằm viện rất ngắn và chi phí không cao.
Phẫu thuật nội soi tán sỏi kẹt niệu đạo tại bệnh viện Nhi đồng 2:
Đăng bởi: CN. Thiên Phước - Phòng Kế hoạch tổng hợp
Các tin khác
Thông báo mời tham dự Hội nghị Khoa học Ghép tạng Trẻ em năm 2024 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 25/11/2024
Chương trình Giao lưu trực tuyến, chủ đề: “Trẻ sinh non và những lưu ý trong quá trình chăm sóc” 12/11/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 11/2024 06/11/2024