Bấm vào hình để xem kích thước thật

Tết đến - coi chừng trẻ hít sặc các loại hạt .

Ngày đăng:  08/02/2013

 
Lượt xem: 11322

Bé Nguyễn Lê Hương G., 18 tháng tuổi, nhà ở Đà lạt, được bệnh viện tỉnh chuyển viện Nhi Đồng 2 ngày 29/1/2013 với chẩn đoán nghi ngờ dị vật đường thở. Đêm hôm trước, mẹ bé thấy bé chơi với một hộp giấy và có xé giấy bỏ vào miệng, sau đó một lúc thì thấy bé bị ho sặc và tím môi.

Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, bé có triệu chứng lúc thì thở rít, lúc thì khò khè kiểu tắc nghẽn, lúc thì giảm thông khí phổi một bên. Bé được chỉ định nội soi phế quản bán khẩn ngày hôm sau để gắp dị vật ra. Tuy nhiên, trái với dự đoán của các bác sĩ nghĩ sẽ thấy mẩu giấy trong đường thở, ê-kíp soi đã thấy một dị vật có bờ tròn như của hạt dưa. Cuộc soi kéo dài nhưng vẫn không gắp ra được do dị vật trơn và bé bị suy hô hấp nhiều lần khiến phải ngưng soi. Bé đã được điều trị kháng sinh và kháng viêm tích cực để làm giảm nguy cơ suy hô hấp cho lần soi sau. Một tuần sau, ngày 5/2/2013, bé đã được nội soi lại và lần này gắp ra thành công dị vật là một hạt dưa còn nguyên vỏ. Bé đã bình phục nhanh chóng.

 

Vậy, chỉ còn vài ngày nữa là tết đến. Hiện nay, nhà nào cũng sắm sửa tết với các hũ mứt tết to nhỏ mà thoạt nhìn qua, ta sẽ thấy có đủ các loại mứt với các loại hạt như hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt dẻ, đậu phộng… Mứt cũng có những loại có kích cỡ rất nhỏ như mứt chùm ruột, mứt sen, v.v… Ngày Tết bận rộn, khách khứa tới nhiều, thức ăn có sẵn ở khắp nơi mà trẻ em lại không được quan tâm đúng mức như ngày thường nên các “sự cố” rất dễ xảy ra. Do đó, một chút kiến thức về phòng ngừa và cách xử trí cũng giúp ích rất nhiều.

 

Dị vật đường thở do hít sặc rất thường gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi do trẻ luôn có xu hướng cho các vật cầm nắm được bỏ vào miệng, sau đó hít sặc vào đường thở. Một phần ba các trường hợp dị vật bị sặc là các loại hạt nhỏ, ngày thường hay gặp đậu phộng, ngày Tết hay gặp hạt dưa… Những dị vật có hình dạng tròn thì nguy hiểm hơn do có thể gây bít hoàn toàn đường thở, gây ngạt thở cấp tính, có thể tử vong ngay nếu không được cấp cứu kịp thời. Những trường hợp sặc dị vật bị bỏ quên có thể dẫn tới tình trạng viêm phổi tái đi tái lại, sốt, ho kéo dài, ho ra máu, xẹp phổi, v.v…

 

Vậy nếu lỡ hít sặc xảy ra thì xử trí như thế nào?'

 

Nên tiếp tục để cho trẻ ho nhằm tống dị vật ra, tuyệt đối không móc họng cho trẻ ói vì hành động này có nguy cơ đẩy dị vật vào sâu trong đường thở hơn, hoặc làm cho dị vật đang từ bít đường thở không hoàn toàn trở thành bít đường thở hoàn toàn, khiến trẻ bị ngạt. Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thì đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay, đầu hơi chúc xuống, tay còn lại hơi khum vỗ mạnh vào lưng trẻ vùng giữa 2 xương bả vai .

 

Trẻ lớn hơn có thể đặt nằm ngửa xuống đất, hai bàn tay người cứu nạn chồng lên nhau để ở vùng bụng dưới mũi ức (vùng thượng vị) đè ép xuống nhiều lần (hình b). Đối với trẻ lớn và người lớn thì ta có thể đứng phía sau lưng họ, hai bàn tay nắm lại vào nhau ấn thốc mạnh vào vùng thượng vị theo hướng từ dưới lên trên và từ trước ra sau (hình c). Đây là một động tác có thể giúp cứu mạng cho nhiều trường hợp ngạt do sặc dị vật.

 

 

 

Tuy nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Không để các vật nhỏ lọt vào tay trẻ. Để mắt tới trẻ mọi nơi mọi lúc. Khi cho trẻ ăn cần để trẻ chăm chú vào chuyện ăn, không cười giỡn trong lúc ăn nhằm tránh để xảy ra các trường hợp hít sặc đáng tiếc, khiến “Tết mất vui” !

 

Đăng bởi: Ths.Bs.Bùi Nguyễn Đoan Thư - Khoa Hô hấp chuyên sâu

[Trở về]

Các tin khác