RUỘT ĐÔI HIẾM GẶP Ở TRẺ EM
Ngày đăng: 04/12/2012
Lượt xem: 22041
Bé gái N.H.K, 3 tuổi, nhà ở Q.9, nhập viện vì đau bụng và nôn ói nhiều. Một ngày trước nhập viện bé bị đau bụng tăng dần kèm sốt, đi cầu phân lỏng, lợn cợn rất hôi. Qua thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, các bác sĩ đã quyết định mổ cấp cứu thám sát bằng nội soi cho bé vì nghi ngờ 1 bệnh lý khác viêm ruột thừa . Kết quả thám sát bằng nội soi cho thấy trong bụng bé có rất nhiều dịch mủ lợn cợn, có nhiều mạc nối ruột xuống bám góc hồi manh tràng ( là nơi có ruột thừa). Tuy nhiên, bất ngờ là ruột thừa trong tình trạng bình thường không viêm mà ngay góc hồi manh tràng lại có một nang ruột đôi hình cầu kích thước khoảng 2x2 cm đã thủng gây tình trạng viêm nhiễm mủ ổ bụng. Các bác sĩ đã tiến hành cắt trọn nang dưới nội soi và khâu lại mạc treo ruột, làm sạch ổ bụng và đặt ống dẫn lưu cho bé. Hiện bé đã ổn định, hết đau bụng và ăn uống, đi lại tốt.
Thạc sĩ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, phẫu thuật viên chính, cho biết nang ruột đôi hay rộng hơn là đường tiêu hóa đôi là 1 bất thường của hệ tiêu hóa rất hiếm gặp với tần xuất 1/18.000 trẻ sinh sống, trong đó có đoạn ruột có cấu trúc như ruột nhưng phát triển thừa và dính chặt vào một đoạn ruột bình thường của đường tiêu hóa. Ruột đôi có 2 dạng : hình cầu và dạng hình ống. Niêm mạc của ruột đôi là niêm mạc ruột, nhưng có trường hợp niêm mạc là niêm mạc dạ dày lạc sản nên dễ dàng gây viêm loét và thủng ruột như trường hợp trên.
Bệnh đường tiêu hóa đôi có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào thuộc đường tiêu hóa từ miệng cho đến hậu môn và có thể gặp ở bất kì tuổi nào, phần lớn (75%) gặp là ruột non đôi và hiện diện trước 2 tuổi . Biểu hiện của bệnh vì thế rất khác nhau tùy theo vị trí và kích thước của đường tiêu hóa đôi. Nếu gặp ở ngực thì trẻ có thể bị suy hô hấp , nếu gặp ở dạ dày ruột thì có thể gây đau bụng không giải thích được, gây tắc ruột, chảy máu đường tiêu hóa hoặc táo bón cho trẻ.
Cách điều trị duy nhất là phẫu thuật sớm để tránh các biến chứng không tốt có thể xảy ra. Hiện nay với phẫu thuật nội soi thì việc thám sát và tìm nang ruột đôi dễ dàng và thuận lợi hơn so với mổ mở trước kia, ít xâm lấn, ít gây đau và cho trẻ thời gian nằm viện ngắn hơn. Vì vậy, khi trẻ nhỏ thường than đau bụng, rối loạn tiêu hóa, các bậc cha mẹ nên chú ý và cho con đi khám để phát hiện bệnh sớm nếu có.
Đăng bởi: Bs Trương Anh Mậu, khoa ngoại
Các tin khác
Thông báo mời tham dự Hội nghị Khoa học Ghép tạng Trẻ em năm 2024 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 25/11/2024
Chương trình Giao lưu trực tuyến, chủ đề: “Trẻ sinh non và những lưu ý trong quá trình chăm sóc” 12/11/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 11/2024 06/11/2024