Sau 15 ngày điều trị ong đốt , bé Đạt đã xuất viện
Ngày đăng: 10/01/2012
Lượt xem: 8645
Tháng 12/2011 vừa qua, khoa Nội Tổng Hợp bệnh viện Nhi đồng 2 có tiếp nhận và điều trị 4 bé bị ong vò vẽ đốt. Cả 4 bé đều ở Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó có trường hợp rất nặng là bé Đ.T.Đạt., 1 tuổi, có chị là Đ.N.M.Tâm., 3 tuổi, đã tử vong vì bị ong đốt.
Bé Đ. bị tổn thương đa cơ quan nặng khi nhập viện và sau khi được hồi sức và điều trị tích cực với thở máy, lọc máu, truyền dịch, truyền máu , … tại khoa Cấp cứu và Hồi sức chống độc 11 ngày, bé qua được cơn nguy kịch, được chuyển đến khoa Nội Tổng hợp điều trị tiếp và xuất viện sau 15 ngày nhập viện. 3 trường hợp còn lại cũng bị ong đốt khi trên đường đi lễ nhà thờ về, nhưng tình trạng nhẹ hơn nên cả 3 bé đều được xuất viện sau 5 đến 7 ngày điều trị.
Ong đốt là tai nạn có thể gặp quanh năm và ở tất cả các vùng miền, đặc biệt là ở vùng nông thôn và rừng núi. Nhiều trường hợp bị ong đốt bị nhiễm độc nặng nề, chữa trị phức tạp, tốn kém, nằm viện kéo dài, và thậm chí bị tử vong.
Đặc điểm một số loại ong thường gặp:
-
Ong vò vẽ: có khoang màu đen, vàng và trắng. Kim không có gai nên có thể đốt nhiều lần. Vết đốt có hoại tử trung tâm. Rất nguy hiểm cho người vì có thể gây phản ứng phản vệ và nguy cơ nhiễm trùng cao. Tuy nhiên ong chỉ đốt người khi bị phá tổ. Ong vò vẽ bị thu hút khi người mặc quần áo đen, nâu sậm hay màu sặc sỡ, dùng nước hoa hay bỏ chạy sau khi phá tổ. Ong thường làm tổ trên cây và mái nhà.
-
Ong bắp cày: màu nâu đỏ. Cũng có thể gây phản ứng phản vệ và nguy cơ nhiễm trùng cao như ong vò vẽ.
-
Ong mật: màu xám vàng, thân xù xì. Là loại duy nhất có gai trên kim chích nên mỗi con ong chỉ đốt một lần. Thường tấn công người thành bầy nên rất nguy hiểm.
- Ong đất: ít khi đốt người.
Biểu hiện sau khi bị ong đốt:
Sau khi vào cơ thể, các chất trong nọc ong gây ra: phản ứng dị ứng như phù nề, nổi mề đay; nặng nhất là sốc phản vệ và có thể làm nạn nhân tử vong nhanh chóng sau 15 phút. Triệu chứng của sốc phản vệ: lúc đầu là đỏ mặt, ngứa, nổi mề đay, nghẹt mũi, ngứa mũi, ho, khò khè, đau bụng, ói mửa, tiêu chảy. Sau đó các triệu chứng nặng lên nhanh chóng với các biểu hiện phù mặt hay toàn thân, khó thở, thở nhanh, tím tái, ói máu, tiêu máu, tim nhanh, hạ huyết áp, loạn nhịp tim và ngưng tim.
Nguy cơ sốc phản vệ không phụ thuộc vào số mũi đốt. Ngoài ra độc tố của ong còn gây những biến chứng nguy hiểm khác như tán huyết, tiêu cơ ( có triệu chứng nước tiểu màu đỏ), suy thận cấp (tiểu ít hoặc không có nước tiểu), tổn thương gan (có triệu chứng vàng da), rối loạn tri giác, yếu liệt cơ, …
Biểu hiện lâm sàng tùy thuộc:
-
Số mũi đốt: trên 30 mũi nguy cơ tán huyết, tiêu cơ và suy thận cấp cao.
-
Loại ong đốt.
-
Vị trí ong đốt: vết đốt ở mặt, cổ, niêm mạc có thể gây phù nề đường hô hấp, đe dọa tính mạng nạn nhân.
-
Tình trạng sức khỏe của nạn nhân.
-
Mức độ nhạy cảm của nạn nhân với độc tố: những người đã từng bị sốc phản vệ hay tiền sử gia đình dị ứng với côn trùng có nguy cơ bị sốc phản vệ cao hơn.
Khi bị ong đốt, chúng ta nên:
-
Dùng nhíp hay bìa cứng lấy kim đốt nếu có thể.
-
Rửa sạch vết đốt với xà bông. Sau đó bôi thuốc sát trùng như Povidine 10% hay Bleu methylene (thuốc xanh).
-
Đắp lạnh vết đốt bằng khăn lạnh.
-
Thoa thuốc giảm đau hay kem dưỡng da để làm dịu vùng bị đốt.
-
Nếu nạn nhân có cơ địa dị ứng hay hay có biểu hiện phản ứng dị ứng nhẹ: băng ép ngay trên vết đốt và đến cơ sở y tế gần nhất có thuốc Adrenaline và các thuốc cấp cứu khác.
-
Nếu nạn nhân bị đốt trên 30 mũi: nên đưa đến các các cơ sở y tế lớn, nơi có phương tiện chạy thận nhân tạo hoặc lọc máu liên tục.
-
Có thể uống thuốc giảm đau (như Paracetamol, 10-15mg/kg/ lần), kháng sinh để tránh nhiễm trùng (Cephalexin, 25-50 mg/kg, chia 3 lần).
- Tất cả các trường hợp ong đốt cần được theo dõi sát trong 6 giờ đầu để phát hiện sốc phản vệ. Sau đó, nếu điều trị ngoại trú thì phải tái khám ngay khi tiểu ít, thay đổi màu nước tiểu, khó thở. Cần phải nhập viện khi ong vò vẽ đốt trên 10 mũi, có biểu hiện của phản ứng dị ứng hay sốc phản vệ.
Đăng bởi: Ths.Bs.Trần Thị Kim Ngân - Khoa Nội tổng hợp
Các tin khác
Thông báo mời tham dự Hội nghị Khoa học Ghép tạng Trẻ em năm 2024 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 25/11/2024
Chương trình Giao lưu trực tuyến, chủ đề: “Trẻ sinh non và những lưu ý trong quá trình chăm sóc” 12/11/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 11/2024 06/11/2024