Cảnh giác với các loại thịt có xương khi cho trẻ ăn
Ngày đăng: 15/10/2011
Lượt xem: 8435
Chỉ trong vòng một tháng qua, khoa Hô Hấp phối hợp với khoa Tai – Mũi – Họng bệnh viện Nhi đồng 2 đã liên tiếp thực hiện thành công nội soi phế quản gắp dị vật đường thở bỏ quên cho 4 trường hợp. Đa phần các bệnh nhân nhập viện với triệu chứng khò khè, khó thở đột ngột, hoặc khàn tiếng và thường được chẩn đoán lầm với cơn suyễn cấp tính hoặc viêm thanh khí phế quản cấp. Không có hoặc rất ít trường hợp ghi nhận có triệu chứng ho sặc khi ăn uống trước đó. Dị vật thường gặp ở trẻ em là hạt đậu phộng, hạt dưa, xương cá, xương lươn ...hoặc các loại hoa quả có hạt nhỏ.
Điển hình là trường hợp bé V.N.T.L 15 tháng ở Hóc Môn, nhập viện trong tình trạng khàn tiếng và khó thở cấp tính. Theo lời mẹ của bé kể, một ngày trước nhập viện bé đột ngột bị khàn tiếng và khó thở ngày càng tăng.. Nhưng qua thăm khám các bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng dị vật đường thở bỏ quên mặc dù không ghi nhận rõ ràng tình trạng ho sặc thức ăn. Ngày 11/10/2011 bé được nội soi phế quản và ghi nhận có một mảnh xương nằm trong khí quản. Sau khi gắp dị vật ra, tình trạng khàn tiếng và khó thở không còn nữa, bé khỏe ăn uống tốt. Người nhà sau đó xác nhận lại trước đó vài ngày bé có ăn cháo lươn nhưng không thấy bị sặc.
Qua đó các bậc phụ huynh nên cẩn thận khi cho trẻ ăn các loại thức ăn có xương nhỏ, hoặc các loại hạt hay hoa quả có hạt nhỏ chưa được lấy ra: đậu phộng, hạt dưa, hạt bí, sabochê…vì có thể làm cho bé bị ho sặc khi ăn và các hạt này sẽ rơi vào trong đường thở gây tắc nghẽn đường thở, viêm phổi hoặc áp xe phổi, trường hợp nặng có thể đưa đến tử vong.
Đăng bởi: BS.Nguyễn Hữu Thụy Vy
Các tin khác
Thông báo mời tham dự Hội nghị Khoa học Ghép tạng Trẻ em năm 2024 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 25/11/2024
Chương trình Giao lưu trực tuyến, chủ đề: “Trẻ sinh non và những lưu ý trong quá trình chăm sóc” 12/11/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 11/2024 06/11/2024