Phẫu thuật nội soi ổ bụng ở trẻ sơ sinh 3 ngày tuổi
Ngày đăng: 15/04/2011
Lượt xem: 11175
Các bác sĩ khoa ngọai bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa phẫu thuật thành công 1 trường hợp bệnh lý đường tiêu hóa khá hiếm gặp ở trẻ sơ sinh 3 ngày tuổi bằng nội soi. Bé trai con bà N.T.V, được chuyển từ BV Từ Dũ sang vì ói dịch xanh vào ngày thứ 2 sau sinh.
Tại khoa sơ sinh, sau khi thăm khám, siêu âm, chụp Xquang bụng, các bác sĩ đã quyết định tiến hành mổ nội soi cho bé với chẩn đóan là bán tắc tá tràng. Kết quả nội soi ổ bụng đúng như chẩn đoán: tá tràng của bé bị bán tắc mà nguyên nhân là do xoay ruột bất tòan, ruột non của bé xoắn mạn tính 2 vòng, mạc treo ruột bị phù nề nhưng vẫn còn hồng hào, đủ máu tới nuôi ruột do đó ruột vẫn sống không bị họai tử. Kíp phẫu thuật gồm BS Trần Thanh Trí, BS Chìu Kín Hầu và Nguyễn Đỗ Trọng đã tiến hành tháo xoắn ruột, cắt dây chằng Ladd, nới rộng chân mạc treo và xoay ruột lại theo hướng mạc treo chung nhằm tránh cho ruột không bị xoay lại như cũ gây tắc ruột hoặc xoắn ruột. Sau mổ 1 ngày, hiện bé đã ổn định, hết ói và bú lại được. Bác sĩ Trần Thanh Trí, phó khoa ngọai, cho biết xoay ruột bất tòan là 1 bất thường bẩm sinh trong quá trình xoay và cố định ruột trong giai đọan phôi thai, gặp khỏang 1 trường hợp trong 500 trẻ sinh sống, thường gặp ở nam nhiều hơn nữ và kèm theo các dị tật bẩm sinh khác. Nếu không được mổ cấp cứu kịp thời, bệnh có thể gây xoắn ruột và họai tử ruột khiến trẻ tử vong. Điểm đặc biệt trong ca mổ là lần đầu tiên bệnh viện áp dụng nội soi thay cho mổ mở đối với loại bệnh lý này. Ưu điểm của việc tiếp cận bằng nội soi là quan sát được tòan bộ ổ bụng từ đó có nhận định chính xác loại tổn thương đưa ra hướng xử trí thích hợp, ít mất máu, vết mổ nhỏ, thẩm mỹ, bệnh nhi hồi phục nhanh sau mổ. Bác sĩ lưu ý bệnh lý này có thể ở dạng cấp hoặc mạn tính, Lọai cấp tính có thể gặp ở bất kì lứa tuổi nào từ sơ sinh đến lớn nhưng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Biểu hiện của bệnh là nôn ói nhiều, dịch ói ra là dịch xanh của mật, bụng xẹp và giai đọan muộn thường có tiêu máu do tổn thương mạch máu ruột. Lọai mạn tính thường gặp ở trẻ lớn hơn 2 tuổi với bệnh sử là thường có những cơn đau bụng kèm ói ra dịch mật, có thể kèm theo dấu hiệu suy dinh dưỡng do ăn uống kém và kém hấp thu. Do đó, các bậc cha mẹ nên lưu ý và đưa đi khám nhất là những trường hợp trẻ sơ sinh mà ói ra dịch vàng, dịch xanh.
Hinh be sau mo
Đăng bởi: BS Trương Anh Mậu, Khoa ngoại
Các tin khác
Thông báo mời tham dự Hội nghị Khoa học Ghép tạng Trẻ em năm 2024 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 25/11/2024
Chương trình Giao lưu trực tuyến, chủ đề: “Trẻ sinh non và những lưu ý trong quá trình chăm sóc” 12/11/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 11/2024 06/11/2024