Cho trẻ vui Tết hợp lý
Ngày đăng: 01/02/2011
Lượt xem: 9749
Trẻ sắp bắt đầu được nghỉ Tết, một kỳ nghỉ cũng khá dài. Đối với trẻ thì thật là vui vì có dịp vui chơi thoải mái, nhưng với cha mẹ thì cũng bắt đầu lo không biết nên cho trẻ ăn uống và sinh hoạt ra sao cho hợp lý.
Những ngày đi học, trẻ được nhà trường cho ăn uống và nghỉ ngơi theo thời khóa biểu, đến chiều mới về nhà nên cha mẹ cũng đỡ vất vả, chỉ cần cho con ăn bữa tối, uống sữa trước khi ngủ nữa là xong. Còn bây giờ cả 3 bữa ăn tại nhà, nội nghĩ ra món gì cho ăn cho khỏi ngán cũng thật đau đầu, chưa kể thời gian cho bé ăn cũng thật gian nan, trong khi ngày Tết đang đến với bao nhiêu là việc!
Để trẻ giữ được sức khỏe tốt trong những ngày này, các quý vị phụ huynh nên chú ý bảo đảm lịch sinh hoạt ổn định cho bé. Nếu có ông bà thì nhờ ông bà trông chừng giúp bữa ăn cho trẻ. Phải đảm bảo 3 bữa chính như lúc trẻ đi học, nhưng có thể linh động đổi món cho phù hợp giờ giấc và loại thức ăn thuận tiện của gia đình. Buổi sáng, các bé sẽ ăn với gia đình, nến có các cháu dưới 3 tuổi thì cả nhà chịu khó ăn nhiều món mềm một chút: như cháo, bún, phở , miến, bánh ướt…Chúng ta có thể dùng các loại bún, miến, mì ăn liền nhưng không lấy bột nêm, thay vào đó nấu bằng thịt hay trứng, thêm một ít rau, nhớ cho thêm 1 muỗng dầu cho trẻ …thế là đã có một món ăn sáng đủ chất và ngon lành. Bữa ăn chính cũng nhất thiết phải được đảm bảo, nếu trẻ ăn được cơm với gia đình thì thật tốt, nhưng nên chú ý phần ăn của trẻ có một số yêu cầu đặc biệt như cơm và thức ăn cần mềm hơn, lượng dầu ăn đủ hơn, và nên có chất xơ từ rau và trái cây. Chúng ta có thể linh động, nếu trẻ lớn có thể ăn bánh chưng thay cơm, hay trẻ nhỏ có thể ăn bún ăn mì thay cháo. Với trẻ còn đang ăn cháo, việc chuẩn bị sẵn một nồi cháo trắng, còn thức ăn dùng món của người lớn như thịt cá kho, chà bông, trứng… để ăn cũng là một cách đổi món và tiết kiệm thời gian. Những lúc quá bận không thể nấu canh, có thể cho trẻ ăn các loại củ quả để thay thế, mùa này trái cây rất nhiều!
Chúng ta cũng có thể tận dụng sữa như một thức ăn cứu cánh trong những ngày này. Sữa dễ hấp thu và khá đầy đủ dưỡng chất mà lại tiện dụng. Chúng ta vẫn cho trẻ đủ lượng sữa hàng ngày, những bữa nào ăn ít thì có thể bổ sung thêm một ly sữa hay hũ yaourt, cái bánh plan sau đó. Một ly sữa tươi cũng có năng lượng bằng một chén cơm chưa có thức ăn. Tuy nhiên, phải để trẻ ăn đúng bữa trước, và chỉ bù nếu bữa đó trẻ ăn hơi kém. Tuyệt đối đừng cho trẻ uống sữa trừ cơm, sau này thành thói quen xấu, chẳng chịu ăn mà chỉ chờ uống sữa là không được, vì với trẻ lớn chỉ uống sữa không ăn thêm sẽ không đủ dinh dưỡng cho phát triển.
Để trẻ không biếng ăn, trong những ngày Tết đừng cho trẻ ăn vặt tự do. Đa số các thức ăn có chứa năng lượng sẽ làm cho trẻ không thấy đói vào đúng bữa. Phải duy trì nguyên tắc chỉ nên ăn vặt sau ăn bữa chính. Lượng thức ăn vặt nên được tính toán bù trừ trong khẩu phần của trẻ để tránh biến trẻ thành dư cân béo phì sau khi ăn Tết. Nếu trẻ uống 1 ly nước ngọt, hoặc ăn khoảng 15 cái kẹo, hoặc khoảng 30g hạt điều- đậu phộng, hoặc 40g mứt, trẻ phải giảm bớt 2/3 chén cơm. Nếu trẻ ăn giò chả hoặc xúc xích, có thể giảm bớt lượng thịt cá trong bữa. Nếu đã ăn một món có chứa nhiều béo (thịt đông, thịt kho Tàu, giò thủ, chả giò chiên…) thì đừng xào rau nữa, mà hãy ăn rau luộc, rau sống hay trái cây thôi.
Hãy tạo cho trẻ có cơ hội vận động trong kỳ nghĩ dài ngày này. Động viện trẻ đi bộ, phụ giúp gia đình dọn dẹp… để tránh hư mắt và tăng cân do ngồi xem tivi hay chơi game quá nhiều. Trong dịp Tết cho trẻ đi chúc Tết hay đi du lịch, trẻ vừa vui vừa năng động hơn!
Một điều không kém quan trọng là nhớ cho các bé ngủ đúng giờ.
Chúc các bạn và các bé đón một cái Tết thật vui, thật ý nghĩa!
Đăng bởi: BS.CK2.Nguyễn Thị Thu Hậu - TK.Dinh dưỡng
Các tin khác
Giúp trẻ phát triển chiều cao 29/02/2024
Chế độ dinh dưỡng ngày Tết mùa Covid 02/02/2022
Các loại sữa dành cho trẻ non tháng 06/02/2020
Chế độ ăn cho trẻ sinh non có gì đặc biệt 29/01/2020
Dinh dưỡng cho trẻ ngày nắng nóng 21/02/2019
Dinh dưỡng ngày Tết và những điều cần lưu ý 06/02/2019