Bấm vào hình để xem kích thước thật

Một số sai lầm trong việc kết hợp món ăn chưa hợp lý trong ngày Tết

Ngày đăng:  21/01/2011

 
Lượt xem: 9193

       Ngày Tết đang đến gần, mọi người ai cũng muốn chuẩn bị cho gia đình mình những ngày đầu năm sum họp vui vẻ, hạnh phúc nhất. Trong muôn vàn thứ bộn bề cần chuẩn bị, chắc chắn thực phẩm là một thứ  không thể thiếu và cũng gây cho những bà nội trợ nhiều băn khoăn. Xin bác sĩ tư vấn 1 vài thói quen dùng thực phẩm có hại cho sức khỏe?

Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, bữa ăn hàng ngày thường chưa đầy đủ, người ta hay để dành những của ngon vật lạ cho dịp năm mới, coi đây là dịp vừa nghỉ ngơi, vừa hưởng thụ bù trừ cho một năm trời vất vả. Cũng vì lẽ đó mà Tết có vẻ long trọng hơn. Thói quen đó cũng còn ảnh hưởng nhiều trong cuộc sống ngày nay. Các bà nội trợ vẫn tích trữ khá nhiều thức ăn , có khi phải dùng tới hết mùng hay sang tới ngày dằm tháng  Giêng mới hết nổi! Tất nhiên là đã có phương tiện hỗ trợ đắc lực là chiếc tủ lạnh. Các mâm cỗ ngày Tết vẫn đầy thức ăn, tập trung bao nhiêu là món mà chỉ cần nghĩ qua đã thấy muốn mập lên. Khi đi chúc Tết, người lớn thì tới mỗi nhà nhấp môi một ít rượu bia cho có không khí, trẻ con thì thoải mái uống nước ngọt, cả nhà cùng thưởng thức bao nhiêu là bánh mứt hảo hạng. Nhưng bữa thì quá no, quá dư dả, bữa lại vui quá đi chơi bỏ bữa ăn. Kết quả là sau Tết, người nào dễ ăn ( thường là người mập) sẽ lên vài ký, trong khi người khó ăn (thường gầy, hoặc trẻ suy dinh dưỡng) lại càng gầy thêm. Chế độ ăn không cân bằng như vậy sẽ gây ra một số bệnh lý, nhất là ở trẻ em và người già, là những đối tượng kém khả năng thích nghi với những thay đổi của môi trường sống.

 

   Bác sĩ có thể nêu ra một số sai lầm trong việc kết hợp món ăn chưa hợp lý? Bên cạnh đó làm thế nào để có bữa ăn đầy đủ dưỡng chất trong dịp Tết?

Chúng ta cùng điểm qua một số sai lầm trong bữa ăn ngày Tết.

- Kết hợp các món ăn chưa hợp lý:

-Quá nhiều chất bột đường trong một bữa ăn với những món trùng lắp. Ví dụ ăn bánh chưng nhưng vẫn thêm cơm hay bún, miến. Các bữa ăn như vậy quá dư tinh bột, dễ làm lên cân quá mức. Dư bột đường còn do bánh mứt kẹo, nước ngọt.

-Quá nhiều dầu mỡ do nhiều món chiên xào cùng lúc.

-Quá nhiều chất đạm vì vừa có thịt heo, thịt bò, thịt gà ,giò chả lại vừa có thêm hải sản.

-Quá nhiều muối do những món dưa muối mặn, thực phẩm chế biến sẵn ( thường có nhiều muối cũng như bột ngọt) , không có lợi cho sức khoẻ, nhất là người có bệnh tim mạch, cao huyết áp hay bệnh lý gan thận.

-Thiếu rau và trái cây là nguồn cung cấp chất xơ và vitamin giúp cơ thể khoẻ mạnh. Chất xơ cũng giúp giảm hấp thu chất béo, điều hoà đường huyết.

  Biện pháp khắc phục:

-Chọn món ăn vừa phải, xoay vòng để thưởng thức nhiều món, không dư năng lượng mà lại thấy ngon miệng.

-Hạn chế chiên xào và thực phẩm chế biến sẵn. Nên tăng phần thuỷ hải sản thay vì thịt đơn thuần vì ít gây tăng cholesterol máu và mỡ của thuỷ hải sản dễ hấp thu cũng như có lợi cho sức khoẻ hơn.

-Chọn những món ăn có nhiều rau để tăng chất xơ và giảm năng lượng đưa vào. Vd cá hấp cuốn rau, salad. Ăn trái cây nhiều hơn. Chọn nước trái cây không đường hay nước lọc thay cho nước ngọt, hạn chế bớt đồ ngọt, nhất là ở trẻ em gây béo phì, chán ăn và dễ sâu răng.

-Rượu bia chỉ dùng thật hạn chế để khai vị.

- Bố trí bữa ăn ngày Tết:

-Không bỏ bữa. Với người già và trẻ em, nếu bất đắc dĩ không thể ăn đúng bữa thì có thể uống sữa thay thế .

-Ăn đủ no, không ăn cố.

-Nếu thiếu rau có thể sử dụng trái cây thay thế, phải tận dụng nguồn rau và trái cây trong dịp này.

- Tích trữ quá nhiều thức ăn: việc bảo quản có thể không đủ tốt.

-Trữ lạnh: nếu đúng cách thì lượng chất dinh dưỡng không bị ảnh hưởng nhiều. Thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ càng lạnh thì càng ngăn được hoạt động phá hoại của vi khuẩn và làm chậm quá trình thay đổi về mặt hóa học. Tuy nhiên, ngay cả khi được lưu trữ trong  tủ lạnh nhiệt độ khoảng 0,5-5oC, thực phẩm vẫn có thể bị hỏng, đặc biệt là thịt bởi thực ra vi khuẩn vẫn âm thầm hoạt động từ từ và đều đặn bên trong. 
   Vi khuẩn có thể ồ ạt hoạt động trở lại ngay khi nhiệt độ tăng lên. Ngoài ra, nước trong thực phẩm khi kết tinh sẽ phá vỡ lớp màng tế bào. Tác động này rõ hơn ở thịt so với rau và hoa quả - thịt bị cứng và khô hơn khi rã đông. Thêm vào đó, mùi vị của thịt bị biến đổi và chất béo trong thịt bị oxy hóa và có mùi ôi.

   Khi tái đông thực phẩm, chúng ta làm cho quá trình hư hại tăng lên gấp nhiều lần. Bất kỳ tế bào nào thoát khỏi quá trình bị phá vỡ khi thực phẩm được đông lạnh lần đầu đều đứng trước nguy cơ tiếp tục bị phá vỡ lần nữa. Nếu rã đông thực phẩm bằng cách để thực phẩm ở nhiệt độ không khí trong vài giờ đồng hồ , vi sinh vật hoạt động lại và phá hoại thực phẩm.

Biện pháp khắc phục: chỉ trữ vừa đủ dùng, chia thành nhiều gói nhỏ để dùng hết sau khi rã đông, làm lạnh nhanh để tránh hư hại thực phẩm.

   -Các cách bảo quản khác: làm mứt, làm dưa, làm khô, chế biến sẵn (giò chả..) .
Dễ bị tẩm ướp các hoá chất không có lợi cho sức khoẻ ( chất bảo quản , hàn the, thuốc diệt nấm mốc, phẩm màu công nghiệp…), quá nhiều muối hay đường. Việc làm khô thực phẩm cũng cần chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh.

Cách khắc phục: hạn chế bớt thực phẩm chế biến sẵn. Chọn loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tem đảm bảo chất lượng. Tận dụng nguồn thức ăn tươi sống, nhất là cho trẻ em.

Xin cám ơn Bác sĩ .

 

Đăng bởi: Phỏng vấn BS.CK2 Nguyễn Thị Thu Hậu - TK.Dinh Dưỡng

[Trở về]

Các tin khác